Gần đây một số người mắc bệnh gút (gout) đã chỉ nhau kinh nghiệm ăn các món có lá lốt để điều trị căn bệnh vốn được cho là “bệnh của nhà giàu” này. Một số thuốc đông y điều trị bệnh gút cũng đã đưa vào quảng cáo thông tin có tinh chất lá lốt, như một thành phần nổi trội của thuốc. Có hay không công dụng này của lá lốt?
Loại rau ăn “kiêm” vị thuốc
Cây lốt, còn gọi tất bát, có tên khoa học Piper lolot, thuộc họ Hồ tiêu – Piperaceae. Cây thường được trồng bằng cách giâm cành nơi ẩm ướt, dọc bờ nước để lấy lá làm gia vị, ăn sống như các loại rau, hoặc làm thuốc. Lá lốt có hình tim, năm gân chính toả ra từ cuống lá.
Một số cách chế biến món ăn với lá lốt được ưa thích: luộc chấm nước mắm tỏi, gừng; xào với thịt bò, thịt heo, các loại hải sản; xắt sợi như cọng chỉ, nặn chanh vào ăn sống; nấu canh với các loại nhuyễn thể như: ngao, sò, ốc, hến… Đặc biệt, món canh lá lốt nấu với cá là món ăn bổ dưỡng, giúp người già có thể ăn được nhiều cơm, đồng thời chống đỡ được một số bệnh tật.
Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, lá và thân cây lốt chứa các chất ancaloit, flavonoid và tinh dầu, với thành phần chủ yếu là beta-caryophylen; rễ cũng có chứa tinh dầu nhưng thành phần chính là benzylaxetat. Lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau.
Trong y học cổ truyền, lá lốt có vị nồng, hơi cay, tính ấm, công dụng ôn trung (làm ấm bụng); tán hàn (trừ lạnh); hạ khí (đưa khí đi xuống); chỉ thống (giảm đau); yêu cước thống (đau lưng, đau chân), tỵ uyên (mũi chảy nước tanh thối kéo dài), trị nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu...
Kinh nghiệm dân gian thường dùng lá lốt đơn lẻ hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác như rễ cỏ xước, lá xương sông, rễ bưởi bung... sắc lấy nước uống hoặc ngâm tay chân để chữa các chứng đau nhức xương khớp, đau vùng ngực và bụng do lạnh; chứng ra nhiều mồ hôi tay, chân; mụn nhọt, đau đầu, đau răng…
Người bệnh gút có thể dùng lá lốt
Hai bài thuốc với lá lốt
Đau nhức xương khớp: lấy 5 – 10g lá lốt phơi khô, sắc hai bát nước còn nửa bát, uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm, sau bữa ăn tối, trong vòng mười ngày.
Ra nhiều mồ hôi tay, chân: lá lốt tươi 30g, rửa sạch, để ráo, cho vào nồi cùng một lít nước, đun sôi khoảng ba phút. Khi sôi cho thêm ít muối, để ấm, dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân trước khi đi ngủ tối. Thực hiện liên tục trong 5 – 7 ngày.
Mặc dù lá lốt có nhiều công dụng trong y học cổ truyền nhưng cho đến nay chưa thấy có y thư cổ nào đề cập đến việc dùng lá lốt để trị liệu thống phong – chứng bệnh mà y học hiện đại gọi là bệnh gút. Trên thực tiễn lâm sàng ở các bệnh viện y học cổ truyền, cũng chưa thấy công trình nghiên cứu nào khảo sát và chứng minh công dụng này.
Các thông tin mà nhiều người cho rằng nhờ ăn lá lốt đã có người khỏi bệnh gút hoặc bớt đau nhức do bệnh gút gây ra có thể chỉ là kinh nghiệm đơn lẻ ở một địa phương hoặc của một số bệnh nhân nào đó. Đây cũng là vấn đề gợi mở lý thú để các nhà y học đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu và chứng minh khả năng phòng chống bệnh gút của loại cây dân dã này.
Xét về tính hợp lý trong điều trị, với tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt, dùng lá lốt để hỗ trợ trị liệu bệnh gút cũng có thể chấp nhận được. Đến nay cũng chưa thấy có báo cáo nào ghi nhận những tác hại nguy hiểm của những bài thuốc dân gian có dùng lá lốt.
Cuối cùng, cần nhấn mạnh một điều, nguyên tắc điều trị với bệnh gút là phải dùng thuốc để trung hoà, giảm tổng hợp axít uric trong cơ thể. Quá trình điều trị chỉ kiểm soát được bệnh chứ không chữa khỏi bệnh. Nhiều người bệnh không hiểu điều này, cứ nghĩ phải có một loại thuốc nào đó chữa khỏi hẳn và nôn nóng đi tìm. Nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, quảng cáo chữa được bệnh gút thực chất chỉ giúp bệnh nhân giảm cơn đau trước mắt chứ bệnh vẫn còn đó và vào một ngày đẹp trời nào đó, cơn đau có thể quay lại.
Chỉ nên ăn tối đa 100g lá lốt mỗi ngày
Lá lốt có thể dùng tươi, phơi hay sấy khô. Như bất kỳ vị thuốc nào, đều cần phải dùng đúng liều. Lạm dụng, thuốc bổ cũng thành độc. Vì vậy mỗi người chỉ nên ăn từ 50 – 100g lá lốt mỗi ngày. Lưu ý, những người đang bị vị nhiệt táo bón (biểu hiện lợi hàm sưng đỏ; lưỡi khô; môi nẻ; đi tiêu khó khăn, nóng bức trong người...) không nên dùng lá lốt.
ThS.BS Võ Thị Thu
Giảng viên bộ môn đông y,
học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam