Mỗi khi có chuyện buồn hay gặp khó khăn con chỉ mong được về quê nơi tuổi thơ con gửi lại, được về bên mẹ nơi mà mỗi khi nhớ về con vẫn gọi là Bến – Bình – Yên.
Mẹ sinh con trong một ngày đông lạnh giá, mười cân gạo cho mười ngày sau khi sinh con. Hết gạo, ba mẹ con bồng bế nhau ra chợ. Mẹ mua chịu gạo làm bánh đúc bán ở chợ, cuối phiên chợ phải trả tiền cho bác bán gạo để hôm sau bác ấy bán chịu tiếp cho.
Chị bế con cho mẹ bán hàng, mặc dù hơn con bẩy tuổi nhưng vì mùa đông, quần áo và khăn quấn nhiều nên có lần bế con nặng quá chị vứt luôn con xuống đất. Nhưng con rất ngoan, chẳng khóc một tiếng nào. Con cũng chẳng bao giờ ốm vặt bao giờ mẹ nhỉ. Mọi người nói là vì con biết thương mẹ vất vả.
Năm con lên bốn tuổi mẹ quyết định rời khỏi nhà ông nội, thoát khỏi căn buồng chưa đến mười mét vuông, thoát khỏi những lời đay nghiến. Mẹ gửi hai chị em con cho ông ngoại để đi chợ xa.
Con không được đi học mẫu giáo, không được cô giáo dậy hát nhưng con được ông ngoại dậy A B C, được ông dậy phép công, phép trừ mà trước ông đã được học ở lớp bình dân học vụ. Con không thích chơi với trẻ con trong làng vì chúng toàn trêu con là con không có bố, con chỉ chơi với chị và các dì các cậu nhà ông ngoại mà thôi.
Khi con bắt đầu đi học lớp 1, mẹ không đi chợ xa nữa. Mẹ về chợ mình bán lạc, bán đỗ, hạt cây đay để tiện chăm lo cho hai chị em con. Hai năm lặn lội buôn bán xa, mẹ tích góp được ít tiền mua mảnh đất ngay cạnh nhà ông nội và xây một căn nhà nhỏ.
Để chứng minh cho ông biết rằng mẹ không phải đi ăn mày như ông nói khi mẹ quyết định ra đi. Ông bà nội, mọi người bên nội và ngay cả bố con nữa đã chẳng coi mẹ ra gì, luôn đay nghiến và hạnh hà nên mẹ mới phải ra đi. Nhưng mẹ luôn dạy hai chị em con phải biết kính trọng ông bà, yêu quý bố con và mọi người bên nội. Ngày lễ, ngày tết dù mẹ không sang bên nội nhưng mẹ luôn chuẩn bị mọi đồ lễ tết để hai chị em mang sang biếu ông bà.
Con sợ lắm mỗi khi phải sang bên đó. Con sợ người mà con phải gọi là bố. Tuổi thơ con đã không có hình ảnh của bố, không có ký ức và cũng chẳng có tiếng gọi “bố ơi”. Bố đi công tác xa về mua kẹo cho chị và dặn chị nhớ không được cho em bé.
Dù biết con thiệt thòi hơn nhiều so với chị nhưng con chẳng được mẹ chiều hơn. Con đi học, chưa một lần mẹ đưa con đến trường hay đón con ở lớp. Trời mưa các bạn được bố mẹ đến đón về, con ghen tị lầm lũi đứng một mình đợi khi nào tạnh mưa thì về.
Mẹ rất nghiêm khắc. Một lần con thích thú với việc từ trên giường nhảy xuống đất rồi lại trèo lên và nhảy xuống. Con ngã, con khóc mắt nhòa lệ và hướng về phía mẹ. Mẹ cau mày nhìn con và nhẹ nhàng nói: “Con tự làm mình ngã thì con tự đứng lên đi".
Lúc đó, con tủi thân lắm. Con nghĩ mẹ chẳng thương con. Lúc đó, con nghĩ con sẽ không bao giờ gọi mẹ nếu lần sau có ngã. Con sẽ không yêu mẹ nữa. Con sẽ... và con sẽ...
Rồi năm con mười hai tuổi, bố về đón con lên Hà Nội ở với bố. Từ khi sinh ra con đã chẳng được bố yêu thương như chị, thậm trí bố còn chẳng nhìn mặt con. Nhưng càng lớn con càng giống bố và dường như bố muốn bù đắp cho con. Mẹ rất thương con, cũng không muốn xa con nhưng mẹ nghĩ nếu con lên Hà Nội học con sẽ không vất vả như mẹ và chị ở nhà chân lấm tay bùn.
Lên Hà Nội con khóc liền ba ngày, con đòi về với mẹ và bố phải đưa con về. Con tưởng rằng mẹ sẽ rất vui khi thấy con về nhưng không phải. Mẹ giận con, mẹ mắng con đã không nghe lời mẹ.
Mẹ đã nói mẹ chẳng thể ở mãi bên con để chăm sóc cho con vì vậy mẹ muốn con phải sớm tự lập, phải tự biết chăm sóc cho mình, phải tự bước đi bằng chính đôi chân của mình như ngày xưa không có mẹ đưa đón con đi học, dù mưa hay nắng con vẫn không nghỉ buổi học nào, mẹ muốn con tự đứng dậy mỗi khi vấp ngã, mẹ muốn con trưởng thành hơn như câu “ở với mẹ biết ngày nào khôn”.
Nhưng mẹ ơi, mẹ có biết đó là một điều quá sức với một đứa con gái mới chỉ mười hai tuổi. Con còn quá nhỏ để tự quyết định cho cuộc sống của mình, con không thể phản kháng vì vậy mà năm sau con lại phải theo bố lên Hà Nội.
Con chỉ được về thăm mẹ vào mỗi kỳ nghỉ hè và dịp tết, lần nào con về mẹ cũng nhắc nhở con phải nhớ lời mẹ dặm năm nào. Thời gian không được ở bên mẹ, không được sống trong sự yêu thương chăm sóc của mẹ như lẽ đương nhiên của những đứa trẻ đã giúp con trở thành một đứa con gái gan góc, một đứa con gái lạnh lùng như một ngày mùa đông con được sinh ra và con luôn tự tạo cho mình một vỏ bọc để tự bảo vệ mình.
Con đã nghĩ con sẽ không bao giờ tha thứ cho bố, cho ông bà nội khi con biết được sự thật, một sự thật đáng sợ khi con còn nằm trong bụng mẹ. Con không thể tưởng tượng nổi tại sao bố và ông bà lại có thể đối xử với vợ với con với cháu mình như vậy. Và con bắt đầu ngạng ngạnh ương bướng, con cãi lời bố, con nổi loạn…
Nhưng mẹ thì khác. Ngày bố con ốm nằm viện, mẹ lên chăm sóc. Bố con đuổi mẹ về, mẹ không về, mẹ nấu cháo cho bố ăn, bố hất đi. Mẹ vẫn nhẫn nhịn, không một lời kêu ca.
Bà nội ốm, con gái con dâu của bà chẳng thấy đâu, chỉ thấy một mình mẹ “con dâu hờ” chăm sóc bà, hết ngày này qua ngày khác nhà mình chẳng ngủ, tối nào cũng phải sang ngủ với bà nội để đấm bóp cho bà mỗi khi các khớp xương sưng đau.
Rồi ông nội ốm cũng vậy, ông không thể tự đi lại, một mình mẹ chăm sóc ông. Nửa đêm ông ngứa người, mẹ phải dậy đun nước tắm cho ông.
Con thương mẹ vô cùng, con bảo mẹ đừng sống như vậy nữa. Mẹ làm vậy cũng có ai cảm ơn mẹ đâu, mọi người bên nội, bố con vẫn có coi mẹ ra gì đâu. Họ có hiểu được tấm lòng mẹ đâu. Mẹ nói mẹ chẳng cần ai cảm ơn, mẹ chẳng cần ai hiểu, mẹ sống vậy để sau này con cái mẹ được hưởng phúc, mẹ sống vậy để sau này chẳng ai có thể nói được mẹ câu gì.
Con nói con sẽ không bao giờ giống mẹ, ai đối xử với con như thế nào con sẽ đối xử lại như thế. Mẹ mong con gái mẹ không phải là người như vậy, cuộc sống cần phải biết cho đi thì mới mong nhận lại.
Đã bao năm trôi qua, mẹ vẫn luôn hi sinh cho người chồng mà chẳng bao giờ coi mẹ là vợ, mẹ vẫn lặng lẽ chăm sóc bố mẹ chồng mà chẳng bao giờ coi mẹ là con dâu, mẹ vẫn luôn nhận những phần thiệt thòi về mình. Mười hai năm một mình mẹ vất vả nuôi hai chị em con không nhận được sự hỗ trợ nào từ bố con. Nhưng mười hai năm con ở với bố vẫn là những tháng ngày mẹ phải lo toan.
Giờ con đã lớn, đã đi làm. Con nói mẹ không cần phải lo cho con nữa, con đã có khả năng tự lo cho bản thân mình. Nhưng làm sao mẹ có thể không lo được, ngay cả chị con khi đã lấy chồng, đã có gia đình riêng mười năm nay mà mẹ vẫn phải lo cho chị nhiều lắm.
Hôm rồi con về thăm mẹ, con biết mẹ đã đưa tiền cho bố. Con hỏi mẹ, mẹ không nhận. Con nói chuyện với chị, chị nói mẹ không dám nói với con. Mẹ sợ con biết con sẽ lại mắng bố.
Mẹ ơi, mẹ thật cao cả và thiêng liêng. Giờ đây, các bác, các chú và các cô bên nội đã hiểu được tấm lòng của mẹ. Họ hàng, hàng xóm xung quanh nói mẹ con là một người tuyệt vời. Ông nội trước khi mất cũng đã nói chỉ có mình mẹ là vất vả nhất. Chỉ riêng có bố con là chưa hiểu hay là bố đã cố tình không hiểu để mẹ vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi.
Mẹ ơi, 25 năm con chưa làm được gì cho mẹ, con vẫn khiến mẹ phải lo âu, buồn phiền. Con xin lỗi mẹ, vì tất cả, vì sự thiếu sót, vì những lúc con không hiểu lòng mẹ, vì nhiều thứ mà chính con cũng không đếm được..
Mỗi khi có chuyện buồn hay gặp khó khăn con chỉ mong được về quê nơi tuổi thơ con gửi lại, được về bên mẹ nơi mà mỗi khi nhớ về con vẫn gọi là Bến – Bình – Yên.
Con cảm ơn mẹ, mẹ đã giúp con tự tin vào chính bản thân mình.
Con cảm ơn mẹ, mẹ đã cho con xa mẹ để con trưởng thành và vững vàng hơn trong cuộc sống.
Con cảm ơn mẹ, mẹ đã dậy con học mỉm cười khi thất bại.
Con cảm ơn mẹ, mẹ đã giúp con nhận ra tha thứ là vô cùng quan trọng.
Con cảm ơn mẹ, mẹ đã giúp con hiểu nhẫn lại không phải là sự yếu hèn.
Con cảm ơn mẹ, mẹ đã dạy con sống cần phải cho đâu chỉ nhận riêng mình.
Con cảm ơn mẹ… Cảm ơn vì mẹ đã sinh con ra trên cõi đời này để con được là con của mẹ.
Và con xin cảm ơn cuộc đời, cảm ơn vì con vẫn được gài hoa hồng đỏ trên ngực áo.
…
Sắp đến ngày lễ Vu Lan, ngày dành cho chữ Hiếu, cho những ai may mắn còn có mẹ cha để được hãnh diện cài lên ngực áo bông hồng đỏ thắm. Nhưng con hiểu báo Hiếu không phải chỉ một ngày trong năm mà là tất cả các ngày trong suốt cả cuộc đời con như lời dạy của phật:
Con ơi, khi con còn thơ dại
Mẹ đã mất rất nhiều thời gian
Mẹ dạy con cầm thìa, dùng đũa ăn cơm
Mẹ dạy con buộc dây giầy, chải tóc, lau nước mũi
Những kỷ niệm về những năm tháng mẹ con mình sống bên nhau làm mẹ nhớ thương da diết
Vì thế khi mẹ chóng quên, khi mẹ chậm lời
Con hãy cho mẹ chút thời gian, xin con chờ mẹ chút
Cho mẹ suy nghĩ thêm
Cho dù cuối cùng ngay cả định nói gì mẹ cũng quên
Con ơi, con quên là mẹ con ta đã tập luyện
Hàng trăm lần con mới thuộc khúc đồng dao đầu đời
Con nhớ không mỗi ngày mẹ đáp những câu ngây ngô
Hàng trăm câu con hỏi từ đâu
Nên nếu mẹ lỡ kể nhiều lần những câu chuyện móm răng
Ngân nga những khúc ru con thời thơ bé
Xin con tha thứ cho mẹ
Xin con cho mẹ chìm trong những hồi ức ấy nhé
Xin con đáp lời mẹ kể những chuyện vụn vặt trong nhà
Con ơi giờ mẹ thường hay quên cài nút áo
Xỏ dây giầy, ăn cơm vãi đầy vạt áo
Chải đầu tay bần bật run
Đừng giục giã mẹ, xin con nhẫn lại chút và dịu dàng thêm
Mẹ chỉ cần có con ở bên, mẹ đủ ấm
Con ơi, bây giờ mẹ đi chân không vững, nhấc không nổi bước
Mẹ xin con nắm tay mẹ, dìu mẹ, chậm thôi
Như năm đó mẹ dìu con đi những bước đầu đời.